Hiện nay, thang máy, tháng cuốn là phương tiện di chuyển chủ yếu ở các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư. Không ai có thể phủ nhận sự thuận tiện của chúng, tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là đối với trẻ em. Để đảm bảo an toàn khi cho trẻ đi thang máy, thang cuốn, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cơ bản phòng tránh tai nạn, thương tích.
1. Cách xử lý khi gặp sự cố trong thang máy:
-
Khi đang ở trong thang máy mà ngừng đột ngột, cần bình tĩnh, không tìm mọi cách phá thang máy để trèo lên trên hay dùng tay để mở vì điều này dường như là không thể.
-
Bấm nút mở cửa cabin là bước tiếp theo bạn nên làm. Nếu không được thì đừng quá sợ hãi, vì trong một khoảng thời gian nhất định rất hiếm khi xảy ra tình trạng ngộp thở do thiếu oxy.
-
Bấm chuông báo động khẩn cấp hoặc nút trợ giúp (thường là nút nổi bật nhất trong cabin). Nếu nút báo động không phát huy tác dụng, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.
-
Trường hợp thang máy rơi “không phanh”, tư thế giúp hạn chế thương tổn là nằm ngửa, sát xuống sàn, càng gần vị trí trung tâm cabin thang máy càng tốt. Dùng tay kê đầu, một tay che mặt để phòng gạch đá rơi vào.
-
Liên lạc với bên ngoài để nhờ sự trợ giúp (bằng điện thoại di động hoặc điện thoại trong thang máy, nếu không có hoặc điện thoại không sử dụng được, có thể tìm cách gọi to, đập vào cửa thang…).
-
Không tự ý trèo ra ngoài qua cửa thoát hiểm. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp bị kẹt trong thang máy thì ở trong cabin là an toàn nhất.
2. Nếu thang máy đột ngột dừng hoặc chạy giật cục, đèn tắt, ta nên làm theo các bước sau:
-
Trước nhất cần giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để mắt quen với bóng tối
-
Dựa lưng vào tường, gần bảng điều khiển, nắm chắc tay vịn, hơi khuỵu gối đề phòng thang trôi tự do rồi đột ngột dừng lại (chỉ bỏ tư thế này khi thang đã đứng yên và phải quay lại tư thế này ngay khi cảm thấy thang không ổn định hoặc đang trôi).
-
Khi thang đứng yên và mắt đã quen với bóng tối, thì tìm cách liên lạc với bên ngoài: điện thoại, bấm nút khẩn cấp, gọi to, gõ vào cửa thang (nên lấy chùm chìa khóa, gót giày gõ, không nên giậm chân hay nắm tay nện vào cửa vì một số thang yếu dễ tròng trành làm ta mất bình tĩnh).
-
Nếu không ai giúp thì tìm vài vật kim loại cứng: chìa khóa xe, giũa móng tay, bấm móng tay, gót giày nhọn (chìa khóa xe tay ga là thích hợp nhất).Một tay đưa vật kim loại vào khe cửa và từ từ bẩy ra, tay kia hỗ trợ bám vào mép cửa kéo từ từ nhưng mạnh và dứt khoát. Lưu ý nếu dùng chìa khóa, ta lách chìa vào và vặn nhẹ nhàng như khi mở khóa, sau đó dùng sống chìa để bẩy cửa, tránh bẻ ngang chìa sẽ gãy.
-
Cửa hở đến đâu chêm vào đến đó (dùng bút, sách, ví, điện thoại v.v…). Trong lúc làm vẫn nên gọi to và gây động lớn báo cho người ngoài. Cửa hở ra khoảng 1,5cm là người bình thường có thể mở ra được.
-
Khi cửa đã mở, xem thang đang ở vị trí nào. Nếu thang đang ở lưng chừng giữa 2 tầng thì ưu tiên xuống tầng dưới (lưu ý trong trường hợp thang ở lưng chừng thì ngay phía dưới cửa thang sẽ là hầm sâu nguy hiểm). Nhảy ra ngoài dứt khoát và không quay trở lại thang, phòng khi đang đứng ngay cửa thang thì thang trôi xuống hoặc đi lên gây thương vong.
3. Những kiến thức cần trang bị cho con
Để đảm bảo an toàn cho trẻ và các thành viên trong gia đình, cần nhắc nhở trẻ ghi nhớ những nguyên tắc sau:
-
Gọi thang máy đúng cách: Ở mỗi của tầng thang máy đều có bảng hiển thị để chỉ dẫn cho người sử dụng biết là thang máy đang lên hay xuống và hiện cabin đang ở tầng mấy. Dạy trẻ nếu đi lên, hãy chọn mũi tên đi lên ở bảng hiển thị gọi tầng và ngược lại.
-
Khi gọi thang, nếu cabin đã đủ người, hãy kiên nhẫn và chờ lượt đi sau.
-
Khi vào thang máy, hãy bước lùi về cuối cabin, mặt nhìn hướng về phía trước và tránh xa cửa.
-
Trẻ em còn quá nhỏ khi sử dụng thang máy phải luôn có người lớn đi kèm và nắm tay trong lúc thang máy di chuyển.
-
Hãy quan sát bước chân khi ra vào thang máy, chờ thang máy dừng hẳn hãy bước vì thang máy có thể dừng không bằng với mặt đất.
-
Nên giữ thú nuôi bằng dây xích khi đi thang máy.
-
Nếu thấy có điều gì bất thường trong thang máy, hãy thông báo ngay cho bộ phận quản lý bảo trì.
-
Hãy nhấn nút mở cửa để giữ cabin cho người khác.
-
Nếu có hỏa hoạn hay tình huống khác có thể dẫn đến sự cố mất điện, cần phải đi thang bộ.
-
Không nô đùa, nhún nhảy trong ca bin khi thang máy đang hoạt động.
4. Nguyên tắc sử dụng thang cuốn
-
Khi đi thang cuốn phải đứng thẳng, không xô đẩy hay ngã về phía sau, một tay phải vịn vào lan can bên phải của thang cuốn. Tuyệt đối không chạy nhảy, nô đùa trên thang.
-
Không nên dựa vào lan can hoặc ngồi trên bậc cầu thang. Không cho chân, tay vào khu vực các mép bên bậc thang hoặc khớp nối ở cuối thang.
-
Nếu đang đẩy con trên xe hoặc dùng xe đẩy đồ thì không nên dùng thang cuốn.
-
Khi bước vào thang cuốn, cần quan sát chính xác hướng chuyển động của thang lên – xuống. Không nên thử di chuyển theo chiều ngược lại sẽ rất dễ gặp tai nạn.
-
Chọn bậc gần nhất để bước vào, đứng hai chân trên cùng một bậc thang. Tuyệt đối không đứng hai chân trên hai bậc khác nhau, không đứng bắt chéo chân hay chạy vượt bậc khi đang chuyển động.
-
Không nên quay người lại để nói chuyện với người ở sau, như vậy dễ mất thăng bằng dẫn đến ngã.
-
Khi đi thang cuốn, quần áo mặc không nên quá dài, không cầm dây lòng thòng, bởi có thể bị kẹt vào mép bên thang hoặc gờ giữa hai bậc thang. Khi bị kẹt rất dễ bị cuốn vào gầm thang. Khi quần áo bị cuốn vào thang thì không nên cố giữ mà tìm cách cởi bỏ nhanh nhất.
-
Khi có trẻ em còn nhỏ đi cùng, người lớn cần bế trẻ em khi bước vào/bước ra thang cuốn. Khi thang chạy, có thể để trẻ đứng xuống bậc nhưng phải trông giữ.
-
Khi thang cuốn đã đi hết một vòng, xuống hoặc lên đến nơi, cần phải nhanh chóng bước ra khỏi bậc thang trên hoặc dưới cùng. Tuyệt đối không đứng lại vì bậc thang tiếp tục chu trình vòng quay tiếp theo, rất dễ bị cuốn.
5. Cách xử lý khi gặp sự cố trong thang cuốn:
Ở hai đầu thang cuốn có nút bấm để dừng thang khi có sự cố. Nếu có sự cố như bị mắc kẹt, người bị cuốn vào, phải ngay lập tức bấm nút dừng thang để cấp cứu.
Nguồn: Sưu tầm