"Định nghĩa kỹ năng sống được hiểu thiên lệch dễ dẫn đến việc kết luận những phẩm chất đạo đức như: lòng dũng cảm, sự can trường… là kỹ năng sống, trong khi đây là các thái độ hành vi", TS Vũ Thu Hương nhận xét
"Định nghĩa kỹ năng sống được hiểu thiên lệch dễ dẫn đến việc kết luận những phẩm chất đạo đức như: lòng dũng cảm, sự can trường… là kỹ năng sống, trong khi đây là các thái độ hành vi", TS Vũ Thu Hương nhận xét.
Những ngày qua, dư luận xôn xao về nội dung cuốn sách kỹ năng sống dạy trẻ vượt qua sợ hãi bằng cách đi trên thảm thủy tinh. Có người cho rằng điều đó bình thường vì giúp trẻ sống thực, không còn bỡ ngỡ khi gặp khó khăn. Nhưng rất nhiều người bàng hoàng vì học như vậy quá nguy hiểm.
Thực tế hiện nay nội dung sách kỹ năng sống không thống nhất, mỗi tác giả có quan niệm khác nhau. TS Phan Quốc Việt cho rằng kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, học tập, làm việc đồng đội, lắng nghe… Còn theo thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, kỹ năng sống là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi. Kỹ năng bao gồm 3 loại: Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xã hội và kỹ năng làm việc. Nếu xét theo liên đới chuyên môn thì có kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và kỹ năng hỗn hợp.
Các giáo trình kỹ năng sống được xuất bản theo quan niệm của mỗi tác giả. Nếu phụ huynh có thời gian chạy vòng qua các hiệu sách sẽ dễ dàng tìm được rất nhiều cuốn với những tên hấp dẫn từ dạy phát triển tư duy, trí thông minh, trí sáng tạo đến các kỹ năng xã hội, tính kiên trì, lòng dũng cảm... Nhưng khi đọc thì có không ít cuốn nội dung và hình thức trình bày bên trong không ăn nhập với nhau. Từ cách hiểu khác nhau, việc đào tạo kỹ năng sống đã bị hiểu sai. Nhiều nhà giáo dục đào tạo đã đưa nội dung đó vào trong cuộc sống và chuyển hóa thành bài giảng hoặc chương trình huấn luyện và đào tạo cho trẻ em.
Hiện có không ít tác giả hiểu trẻ em là người lớn thu nhỏ nên đã đem khái niệm của người lớn về đánh giá và áp dụng dạy dỗ trẻ nhỏ. Việc này dẫn đến tình trạng sách kỹ năng sống được xuất bản cho trẻ nhưng nội dung không phù hợp. Đơn cử, có không ít tác giả hiểu nhầm thái độ hành vi là kỹ năng. Định nghĩa kỹ năng sống được hiểu thiên lệch dễ dẫn đến việc kết luận những phẩm chất đạo đức như: lòng dũng cảm, sự can trường… cũng được coi là kỹ năng sống. Thực chất đây là các thái độ hành vi chứ không phải là kỹ năng. Việc hiểu sai đã phần nào dẫn đến tình trạng lộn xộn trong việc phát hành sách kỹ năng sống.
Ngoài ra, do việc kiểm duyệt sách có phần chưa chặt chẽ, không ít ấn phẩm gây xôn xao dư luận khi không phù hợp với tâm sinh lý của đối tượng hoặc có bài tập, yêu cầu chưa thực sự hợp lý và khả thi. Cũng có không ít bài tập có tính ứng dụng vô cùng kém và chẳng có giá trị gì cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Vậy học kỹ năng sống là gì?
Kỹ năng sống là các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Đó là những kỹ năng mà trẻ nhỏ thực sự cần nếu chúng muốn là một con người, muốn sống tốt và sống an lành trong môi trường của chúng. Kỹ năng sống chính là những thói quen hợp lý, cần thiết để xử lý trong tình huống cụ thể. Những tình huống này phải có thật và có nhiều khả năng xảy ra trong thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai. Ứng xử phù hợp trong những tình huống này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nguy hiểm hoặc xử lý vấn đề hiệu quả, hợp lý.
Kỹ năng sống thực sự sẽ bao gồm
Kỹ năng thoát hiểm: Trong tai nạn hay tình huống nguy hiểm xảy ra, nếu giỏi văn, giỏi toán mà không biết cách thoát hiểm thì cái giỏi kia trở nên công cốc. Lúc bấy giờ, việc cần làm là phải biết cách thoát ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn và hiệu quả. Những kỹ năng này bao gồm: thoát khỏi hỏa hoạn, ngập lụt, động đất, tai nạn thương tích, xâm hại hay bắt cóc. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng mà khi đối mặt với hiểm nguy ta mới thấy việc hiểu biết về nó thật sự là tài sản quý giá nhất trong kho tàng hiểu biết của mỗi cá nhân.
Kỹ năng ứng phó, ứng biến: Nhiều tình huống không phải là nguy hiểm nhưng tiềm tàng mối hiểm nguy, nếu biết cách ứng xử phù hợp thì thiệt hại sẽ là nhỏ nhất. Ví dụ, có người lạ rủ đi ăn. Ăn xong, trúng thuốc mê và tỉnh dậy thì đã bị bắt cóc hay xâm hại. Việc biết trước có nguy cơ đó là để chúng ta tránh không ăn uống những thứ người lạ đưa cho. Đây chính là kỹ năng ứng phó, ứng biến.
Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng và đặc biệt là vật dụng nguy hiểm): Những vật dụng này có khả năng gây sát thương nhưng lại không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta như: Dao, kéo, kim, búa, đinh, điện... Sử dụng những vật dụng này một cách an toàn là đích mà ai cũng muốn học. Các cha mẹ cũng nhiều lần bị thương nên biết và khéo léo trong việc sử dụng. Vậy con trẻ thì sao? Đó chính là lý do cha mẹ cần dạy con về kỹ năng này.
Kỹ năng khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả: Một cháu bé xem máy tính rất "cao thủ", thông tin gì cũng biết nhưng không biết các nguyên tắc nghiên cứu an toàn. Dĩ nhiên, nguy cơ tai nạn sẽ là rất cao. Nếu vậy thì làm sao bé tìm hiểu được khoa học. Biết cách tìm hiểu và khám phá một cách an toàn, hiệu quả là việc phải học ngay. Chỉ có tự khám phá mới nâng cao liên tục những hiểu biết trong trí não trẻ.
Kỹ năng quản lý thời gian, tiền bạc: Trong cuộc sống, kiếm tiền thật sự rất khó khăn. Vì thế, tiêu pha tiền bạc làm sao cho hiệu quả mà vẫn tiết kiệm là bài toán mà ngay cả người lớn cũng gặp khó. Nếu được học cách tính toán để chi tiêu hợp lý, chắc chắn sẽ giúp trẻ rất nhiều trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Nhiều bạn trẻ bây giờ gặp khó khăn khi thời gian trôi qua hoang phí vì hiệu suất học hành và lao động không cao. Để sắp xếp cuộc sống ổn thỏa chắc chắn trẻ cần những kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả.
Kỹ năng xác định phương hướng, đường đi: Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta di chuyển trên đường với các phương tiện giao thông chiếm rất nhiều thời gian. Xác định phương hướng chính xác, nhanh chóng tìm được đường đi là một kỹ năng hiệu quả vừa để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, vừa giúp chúng ta hình dung công việc dễ dàng hơn.
Kỹ năng thể hiện và thuyết phục người khác: Đây là kỹ năng giao tiếp, trình bày một vấn đề nào đó. Kỹ năng này thực ra rất dễ thực hiện nếu như ta đã có toàn bộ những kỹ năng ở trên. Bởi khi trong đầu chúng ta là một biển kiến thức và kinh nghiệm sống, việc tham gia vào một cuộc đàm đạo sẽ không khiến ta quá lo âu và lúng túng. Vì vậy, giờ chỉ có học cách nói năng cho lưu loát và tự tin là xong.
Hy sinh bản thân vì tập thể: Đôi khi trong cuộc sống, hy sinh cái tôi của chính mình sẽ đem lại lợi ích to lớn cho tập thể và cộng đồng. Nếu trẻ nhỏ hiểu được điều này, không những trẻ đóng góp được nhiều công sức cho đất nước mà còn giúp xác định được lý tưởng sống và xây dựng khát vọng sống.
Từ phân tích trên, chúng ta thấy rằng, sách dạy kỹ năng sống phải giúp trẻ có những kỹ năng để giải quyết các vấn đề có thật trong cuộc sống. Những mẩu chuyện minh họa, định hướng cho trẻ cũng phải gần gũi và dễ xảy ra trong đời thực. Nên chăng, việc kiểm duyệt sách kỹ năng sống cần phải được tiến hành nghiêm túc hơn.
- Theo vnexpress.net -