“Ai cũng là thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với suy nghĩ mình thật đần độn.”
– Albert Einstein –
Câu nói nổi tiếng này đã khiến nhiều người phải thận trọng hơn khi đánh giá về người khác. Điều này càng đúng và cần thiết với các bậc cha mẹ bởi lẽ, dù vô tình hay cố ý, rất nhiều người đã áp đặt lối suy nghĩ ấy lên những đứa trẻ. Hãy thử nghĩ lại, bố mẹ có từng dựa trên một vài khía cạnh tiêu biểu được nhận định là một học sinh nên có – ví dụ tư duy toán học, khả năng ngôn ngữ, vận động – để đánh giá một đứa trẻ là thông minh, giỏi giang hay không?
Nhận định phiến diện và sai lệch ấy cần được thay đổi, bởi lẽ mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng phát triển một hay nhiều loại hình thông minh khác nhau. Học thuyết “8 loại hình thông minh” do nhà tâm lý học nghiên cứu Howard Gardner công bố năm 1983 đã chỉ ra rằng trí thông minh không phải chỉ đo lường bằng chỉ số IQ mà còn bởi rất nhiều khía cạnh khác.
Mỗi đứa trẻ đều tồn tại một vài loại thông minh này, tuy nhiên, với mỗi cá nhân khác nhau sẽ nổi trội những kiểu thông minh khác nhau. Và con trẻ có thể tìm thấy đúng thế mạnh của mình và tập trung phát triển điều đó hay không hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng của cha mẹ. Hãy cùng tìm hiểu xem 8 loại hình này là gì nhé!
1. Trí thông minh logic – toán học:
Đây là vùng phải làm việc với logic, trừu tượng, lập luận và những con số, giúp trẻ hình thành lối tư duy rõ ràng, khoa học cùng óc phân tích, suy luận đáng nể. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà các bậc phụ huynh Việt Nam hay nhìn nhận và yêu cầu ở trẻ.
2. Trí thông minh vận động:
Đây là vùng dành cho những chuyển động cơ thể. Những đứa trẻ có ưu thế này thường thể hiện sự nổi trội trong các hoạt động thể chất đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo, nhạy bén như các môn thể thao, diễn xuất hay làm đồ thủ công.
3. Trí thông minh không gian – thị giác:
Đây là vùng phải làm việc với những tầm nhìn và phán đoán không gian. Điều này giúp trẻ tương tác tốt hơn với thế giới bên ngoài và trau dồi sự nhận thức. Khả năng về thị giác, phương hướng nhạy bén hơn so với mặt bằng chung cũng khiến trẻ sở hữu trí thông minh này có khuynh hướng nghệ thuật phong phú.
4. Trí thông minh ngôn ngữ:
Là trí thông minh bằng lời nói và ngôn ngữ, kể cả nói và viết. Sở hữu loại hình này, trẻ có khả năng truyền tải suy nghĩ và cảm xúc phong phú hơn, thuyết phục hơn. Và “Những người sở hữu trí thông minh ngôn ngữ cũng học ngoại ngữ dễ dàng hơn.”
Ông Joe Black – Giám đốc Đào tạo Apollo English – chia sẻ đánh giá của mình thông qua quá trình tiếp xúc và dạy tiếng Anh cho trẻ tại trung tâm Anh ngữ Apollo. Bởi lẽ với tư duy ngôn ngữ nhạy bén, trẻ có khả năng hiếu, so sánh và vận dụng nhuần nhuyễn khi tiếp xúc với một loại ngôn ngữ mới.
5. Trí thông minh âm nhạc:
Đây là vùng trí tuệ phải làm với các giai điệu, âm nhạc và thính giác. Dễ dàng nhận thấy những trẻ có năng khiếu về ca hát, chơi nhạc cụ, sáng tác sở hữu trí thông minh này. Mọi thứ có liên quan đến giai điệu và thính giác đều có thể khơi gợi sự hứng thú và nâng cao khả năng tiếp thu ở trẻ. Vì thế, truyền đạt một kiến thức nào đó thông qua âm nhạc để tận dụng trí thông minh này cũng là một hướng đi rất đúng đắn.
6. Trí thông minh tương tác giao tiếp:
Đây là khu vực phải làm việc với sự tương tác giữa người với người, đặc trưng thường thấy ở những người hướng ngoại. Khả năng này khiến trẻ dễ dàng kết bạn, mau chóng hòa nhập trong môi trường mới và tiếp nhận năng lượng tích cực thông qua tương tác với bên ngoài.
7. Trí thông minh tự nhiên:
Bao gồm cả khả năng quan sát sâu sắc, sự hiểu biết và yêu thích đối với thế giới tự nhiên. Cũng giống với tương tác giao tiếp, trí thông minh tự nhiên khiến trẻ nhận được năng lượng thông qua tương tác cùng thế giới.
8. Trí thông minh nội tâm:
Đây là vùng phải làm việc hướng nội và phản chiếu năng lực của chính chủ thể. Trí thông minh này giúp trẻ hiểu được bản thân, bao gồm ưu điểm và nhược điểm, khả năng và mong muốn của mình. Nắm được điều này, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động đồng hành cùng con lựa chọn những phương thức phát triển phù hợp.
Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài nếu bố mẹ biết nhìn nhận và tạo dựng cơ hội phát triển đúng hướng. Với môn tiếng Anh cũng vậy, hãy theo dõi xem trẻ có thích những chủ đề mà bạn hướng dẫn không. Thường xuyên đọc sách báo và tham khảo ý kiến chuyên gia để cho trẻ được phát triển trí thông minh theo đúng thế mạnh của chúng.
Nguồn: Sưu tầm